Những cách đi lại an toàn trong mùa mưa bão

Mùa mưa bão đang bắt đầu, việc bảo đảm an toàn giao thông trước, trong và sau mưa bão là điều rất quan trọng.  Nhiều tai nạn mùa mưa bão khiến những con đường ngập nước trở nên đáng sợ. Nắm được những quy tắc cơ bản có thể giúp tránh phần nào tổn thất. 


    Tai nạn điện

    Mùa bão, lũ, hệ thống hạ tầng cơ sở, trong đó có hệ thống điện thường bị ảnh hưởng: đứt dây dẫn điện, nghiêng và ngã trụ, cháy nổ các thiết bị điện, nước lũ hoặc sạt lở đất cuốn trôi các trụ điện,… Bên cạnh đó, còn nhiều sự cố như cây ngã vào lưới điện; gió bão cuốn các biển quảng cáo, mái tôn, rơm, rạ vào dây dẫn điện; nước dâng làm ngập và sạt lỡ công trình điện,… gây ra không ít mối hiểm họa, nguy hiểm cho người dân.



    Bảo trì thường xuyên hệ thống điện góp phần giảm tai nạn điện mùa mưa bão

    Để phòng tai nạn điện trong mùa mưa bão, nhằm đảm bảo tài sản cũng như tính mạng và sức khỏe, người sử dụng điện cần tuân thủ các nguyên tắc sau: không nên máng dây điện trên cành cây, vách lá, mái nhà… dễ gây chạm chập, cháy nổ; không dựng ăng ten, thả diều gần đường dây điện. Không dùng điện để chống trộm, bẫy chuột, rà cá… Điện có thể giật chết người khi truyền qua nước.

    Vì vậy, trong mùa mưa lũ, người sử dụng cần kiểm tra hệ thống dây và các thiết bị điện trong nhà, tránh để dột và ẩm ướt ở những nơi có điện; cẩn thận khi dùng máy bơm nước, đèn chiếu sáng ao cá, chuồng trại,…; không đào ao, mương gần cột điện. Không treo, phơi quần áo hoặc các vật dụng khác trên đường dây dẫn điện. Không dùng ngón tay để thử xem có điện hay không mà phải dùng bút thử điện để thử.

    Khi xây dựng nhà gần đường dây điện, phải chú ý giữ khoảng cách an toàn và phải che chắn, đảm bảo khi kéo vật liệu lên xuống không vi phạm khoảng cách an toàn điện. Bên cạnh đó, người sử dụng nên thường xuyên kiểm tra dây dẫn từ nhà ra cột điện. Nếu phát hiện có những điểm không đảm bảo an toàn, nên báo ngay cho công ty điện lực. Nếu phần hư hỏng nằm phía dưới đồng hồ điện thì bắt buộc phải cắt cầu dao điện chính rồi mới tiến hành sửa chữa. Không đóng cắt cầu dao, bật công tắc điện khi tay còn ướt hoặc chân không mang dép đứng ở nơi ẩm ướt vì như vậy sẽ rất dễ bị điện giật…

    Đặc biệt, người bị điện giật trong tình trạng hôn mê, ngừng thở, tim ngừng đập vẫn có thể cứu sống nếu được hô hấp nhân tạo đúng cách và kịp thời. Không nên đắp bùn đất hoặc tạt nước vì có thể dẫn đến tử vong.

    Tai nạn đuối nước

    Đuối nước là tai nạn thường xảy ra cho các trẻ em, thậm chí cho cả người lớn, nhất là những người sống gần sông, ngòi, hồ đập... Mùa mưa bão thường làm cho nước sông, suối, ao, hồ dâng cao, chảy xiết, làm thay đổi dòng chảy bình thường nên người qua lại các khu vực này rất dễ bị tai nạn. Để phòng chống đuối nước cần lưu ý không đi qua các khu vực ngập nước, chảy xiết; trong mùa mưa bão nếu phải vượt qua các khu vực ngập nước phải có phao cứu sinh, đi nhiều người (để tương trợ nhau lúc cần thiết).

    Ảnh minh họa

    Tai nạn sụp hố ga

    Tình trạng hố ga mất nắp hiện này cũng đang là mối quan nguy hiểm rình rập khi mùa mưa bão về. Đường phố ngập trắng nước, người tham gia giao thông không biết đâu là đường, đâu là hố ga để tránh.

    Tai nạn sập hố ga rất dễ gặp mùa mưa bão

    Sau những trận mưa rào, nhiều tuyến phố thường úng ngập khiến các chủ phương tiện khá vất vả khi lưu thông trên đường. Đáng lo ngại hơn cả là khi lòng đường ngập nước, đã có không ít vụ sập hố ga mất nắp xảy ra, dẫn tới người tham gia giao thông thiệt mạng.

    Vào những ngày mùa mưa bão về, mối lo này càng được nhân lên bởi khi đường phố ngập trắng nước, người tham gia giao thông không biết đâu là đường, đâu là hố ga để tránh.

    Trong mùa mưa, nước ngập chảy về, miệng cống thường xuất hiện xoáy nước và lực hút rất mạnh. Do vậy, nếu người đi đường không cẩn thận sẽ bị hút trôi xuống ngay lập tức. Đã có không ít những vụ sập hố ga mất nắp, dẫn tới việc người tham gia giao thông bị cuốn vào dòng nước và thiệt mạng.

    Đường ngập nước sẽ ngăn cản tầm nhìn của xe. Không chỉ những hố ga tử thần gây hiểm họa mà những chướng ngại vật chìm trong vùng nước ngập là nguy cơ gây tai nạn rất cao cho người tham gia giao thông.

    Có lẽ để tránh được những nguy hiểm đang rình dập trên, biện pháp an toàn nhất là mọi người nên hạn chế ra đường trong mùa mưa bão ngập lụt này.

    Tai nạn cây đổ, sét đánh

    Cây xanh đổ đè lên xe máy

    Cây xanh đổ sập đang là mối nguy hiểm đe dọa người dân khi mùa mưa bão đang đến gần. Thực tế cho thấy sau mỗi trận mưa dông kéo theo rất nhiều cây đổ và thiệt hại về người và của.

    Để hạn chế tai nạn do cây đổ gây ra, mọi người nên hạn chế ra đường lúc mưa bão, hoặc nếu phải ra ngoài thì không trú mưa dưới những gốc cây to.

    Ngoài ra, bạn cũng nên đề phòng khi trời mưa bão sấm chớp, tuyệt đối không nên ra đường, hoặc trú mưa dưới góc cây dễ bị sét đánh; không mang theo những vật dẫn điện bên người như dụng cụ bằng đồ sắt…

    Tai nạn rắn cắn

    Ảnh minh họa

    Mùa mưa bão, rắn thường tìm lên các chỗ cao ráo để tránh nên hay gặp người và cắn.

    Bác sĩ khuyến cáo, để tránh xảy ra tai hoạ đáng tiếc, vào đầu mùa mưa, người dân cần phát quang bụi rậm, khi đi vườn, đi ruộng cần mang ủng, đeo găng tay; buổi tối ra vườn cần có đèn soi đường, có mũ rộng vành.

    Khi bị rắn cắn, cần rửa sach vết thương, hạn chế vận động, không buộc ga rô vì nếu làm sai cách sẽ bị phù nề.

    Người nhà cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất và không nên trị theo các phương pháp dân gian, vì nếu bệnh nhân bị mất thời gian quá lâu hoặc nhiễm trùng, sẽ không cứu được.

    Phòng chống dông, sét trong mùa mưa bão

    Thực hiện quy tắc nhìn - nghe: Khi sét xảy ra, thoạt tiên, ta thấy tia chớp lóe lên và sau đó là tiếng sấm. Nếu bạn tính khoảng thời gian từ lúc nhìn thấy tia chớp lóe lên đến lúc nghe thấy tiếng sấm thì có thể xác định được khoảng cách với nơi sét xảy ra, bằng việc chia số giây cho 3.

    Không làm việc trên cao (điều 93- QTKTATĐ); ngừng mọi công tác đang làm trong trạm ngoài trời và trên các cầu dao vào của đường dây nối đấu vào trạm xây (điều 119- QTKTATĐ); không được kiểm tra các trạm ngoài trời (điều 123- QTKTATĐ), người phụ trách phải dẫn đội công tác ra xa đường dây (điều 175- QTKTATĐ)...

    Nếu đang đi trên đường: Cố gắng tìm nơi trú ẩn (vào trong nhà hoặc ngồi trong xe hơi đóng kín cửa xe lại, vì bánh xe bằng cao su là vật cách điện, khung xe kín là một lồng chống sét Faraday). Tìm chỗ khô ráo, thấp để trú. Người ở vị trí càng thấp càng tốt, tay ôm cổ, nhún chân, không được nằm xuống đất. Không đứng thành nhóm người gần nhau.

    Tuyệt đối không đứng gần những vật có chiều cao; không đứng gần hoặc chạm vào vật dẫn điện; không tụ tập nhau ngoài trời mưa; không gọi và nghe điện thoại, kể cả điện thoại di động... vì đây là đối tượng “ưa thích” của sét.

    Nếu ở giữa nơi trống trải, không có chỗ trú ẩn thì phải ngồi xuống, chụm hai chân sát nhau để tránh điện áp bước (không được nằm). Tránh xa các vật bằng kim loại ... vì chúng là vật nhiễm điện nên là đối tượng của sét.

    Tránh xa sông suối, hồ bơi vì nước là môi trường dẫn điện tốt. Tốt nhất nên ngồi trên vật cách điện như gỗ, cao su, nhựa, ni lông...

    Nếu đang ở trong nhà: Rút tất cả các chấu điện ra khỏi ổ cắm, gỡ ăng-ten ra khỏi tivi và nối vào cọc thép chôn sâu trong đất. Nếu để đầu nối lơ lửng thì khi sét đánh vào ăng- ten, toàn bộ năng lượng sét sẽ tạo thành tia lửa điện rất mạnh phóng vào các vật xung quanh gây cháy nổ. Không dùng vòi sen tắm, lau chùi trong nhà; không nằm trên nền nhà, tắt máy lạnh, tránh xa các cửa sổ vì khung cửa bằng kim loại có thể bị nhiễm điện, kính cửa sổ có thể bị vỡ do áp suất của tiếng sấm ở gần.

    Chú ý đi lại an toàn

    Khi trời mưa thường mọi người sẽ có xu hướng vội vàng. Di chuyển nhanh, thiếu quan sát có thể dẫn đến các sự cố bất ngờ. Do đó, khi trời mưa bão, cần phải bình tĩnh để tham gia giao thông một cách an toàn nhất.

    Khi mưa bão xảy ra, nhiều tuyến đường ở các thành phố lớn thường bị ngập lụt (Ảnh minh họa: Internet)

    Xe máy

    - Nếu nước ngập quá cao, nên cố gắng tìm những tuyến đường khác ít ngập nước hơn hoặc hoặc dừng xe vào lề đường, chờ nước rút.

    - Duy trì khoảng cách thích hợp đối với các xe đi trước, không nên đi quá gần các xe lớn hoặc chạy song song với xe ô tô, xe buýt. Các sóng nước do các xe này tạo ra sẽ làm bạn có phản ứng tự nhiên né tránh dẫn tới những tình huống không an toàn.

    - Cố gắng giữ đều ga, không nhồi ga khi đi trên đường ngập bởi việc rồ ga và phanh gấp sẽ khiến xe bạn dễ chết máy hơn. Nên chuyển về số thấp và giữ ga cao đều để nước không tràn vào ống xả gây tắt máy.

    - Một số người vì sợ nước bắn thường gác chân lên bửng máy hoặc phần giá để đồ giữa xe. Sẽ vô cùng nguy hiểm trong trường hợp bất ngờ cần sử dụng đến phanh hoặc số. Vì vậy, không để chân ở hai vị trí trên khi trời mưa. Bạn có thể sử dụng ủng nilông đi mưa để trùm giày dép nếu sợ bẩn.

    - Khi xe bị ngập nước dẫn tới tắt máy, không nên cố khởi động lại máy bằng đề vì điều đó có thể dẫn tới chết máy, xe hỏng nặng, thậm chí có thể bị chập điện gây cháy nổ.

    Xe ô tô

    - Khi lái xe trong vùng ngập nước, nên tắt hệ thống điều hòa, đi số 1, chạy đều ga ở mức độ vừa phải.

    - Chú ý không nên đạp thốc ga khi qua chỗ ngập để tránh trường hợp chết máy.

    - Khi mức nước ngập nửa lốp xe, với các xe gầm thấp, không nên vượt qua, với xe gầm cao, có thể đi qua nhưng không được để nước vào cửa gió động cơ trước mũi xe vì sẽ làm hỏng động cơ.

    - Nếu xe chết máy, giải pháp an toàn nên gọi cứu hộ. Lưu ý không khởi động lại xe trong trường hợp này vì có thể sẽ làm hỏng động cơ. 

    Có những đoạn đường ngập nghiêm trọng, không khác gì một con sông (Ảnh minh họa: Internet)

    Xe đạp và đi bộ

    Người đi xe đạp và đi bộ khi tham gia giao thông trong mùa mưa bão cần chú ý, đi lại với tốc độ chậm để kiểm soát và chủ động đối phó với các tình huống xấu.

    Đối với người đi xe đạp điện, khi lái xe đi qua vùng ngập, nên xem xét mức nước, nếu ngập quá ổ trục của động cơ sau thì không nên qua, để tránh nước tràn vào bộ điều khiển tốc độ trên xe.

    Bảo vệ xe mùa mưa

    Sau khi đi xe qua vùng ngập nước, nên mang xe đi kiểm tra, bảo dưỡng. Sấy khô các thiết bị xe.

    Cần thường xuyên kiểm tra lốp xe. Điều kiện thời tiết mưa nhiều, đường trơn trượt hơn, nếu lốp xe quá mòn sẽ khó mà kiểm soát được tốc độ. Việc thay lốp hoặc kiểm tra thường xuyên trong thời tiết mưa bão là việc rất cần thiết.

    Tốt nhất mọi người nên hạn chế lái xe trên đường trong mùa mưa bão, ngập lụt, có sấm sét. Khó giữ vững tay lái có thể dẫn đến những tai nạn nguy hiểm.

    (theo vietbao.vn tổng hợp)
    Lượt xem: 5560
    Yahoo